Sốt Xuất Huyết Dengue: Triệu Chứng, Điều Trị và Phòng Ngừa

Sốt Xuất Huyết Dengue: Triệu Chứng, Điều Trị và Phòng Ngừa

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm dễ mắc ở các nước cận nhiệt đới và nhiệt đới như Việt Nam. Bệnh có thể bùng thành dịch, với những triệu chứng nghiêm trọng, có thể gây nguy hiểm cho sức khoẻ và tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Hãy chủ động tìm hiểu thông tin về bệnh sốt xuất huyết để biết cách ứng phó và điều trị hiệu quả.

Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết Dengue

Virus gây bệnh sốt xuất huyết Dengue có 4 chủng khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Nếu một người đã nhiễm virus thuộc chủng nào thì sẽ miễn dịch suốt đời với chủng đó, nhưng vẫn có khả năng bị sốt xuất huyết vì chưa miễn dịch với 3 chủng còn lại. Bệnh sẽ gây nên những triệu chứng lâm sàng không giống nhau ở từng người, biểu hiện thường thấy nhất là sốt cao và xuất huyết.

Tỷ lệ mắc bệnh

Tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết liên tục tăng trong suốt 50 năm qua. Theo số liệu thống kê, ước tính có 50-100 triệu ca sốt xuất huyết ở hơn 100 nước trong vùng dịch sốt xuất huyết. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm thì bệnh có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, gây rối loạn đông máu, suy tạng hoặc thậm chí tử vong.

Triệu chứng sốt xuất huyết Dengue

Giai đoạn sốt

Các triệu chứng lâm sàng:

  • Sốt cao đột ngột, liên tục
  • Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn
  • Da xung huyết, phát ban
  • Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt
  • Nghiệm pháp dây thắt dương tính (kiểm tra và đánh giá sức bền thành mạch, chủ yếu là mao mạch)
  • Có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi

Giai đoạn nguy hiểm

Thường vào ngày thứ 3 – 7 của bệnh, người bệnh vẫn còn sốt hoặc đã giảm sốt, với các biểu hiện:

  • Đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau ở vùng gan
  • Vật vã, lừ đừ, li bì, lạnh đầu chi
  • Gan to > 2 cm dưới bờ sườn, có thể đau
  • Nôn ói nhiều
  • Thoát huyết tương qua thành mạch gây phù nề mi mắt, tràn dịch màng phổi, có thể gây suy hô hấp, sốc
  • Không đo được huyết áp, mạch nhỏ khó bắt
  • Xuất huyết dưới da
  • Xuất huyết niêm mạc: chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc máu, tiểu máu hoặc chảy máu âm đạo
  • Xuất huyết nặng: xuất huyết niêm mạc nặng hoặc xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng (phổi, não, gan, lách, thận), có thể gây sốc giảm thể tích, giảm tiểu cầu, thiếu oxy mô và toan chuyển hóa dẫn đến suy đa phủ tạng và đông máu nội mạch nặng. Xuất huyết nặng cũng có khả năng xảy ra ở người có tiền sử dạ dày-tá tràng, viêm gan mạn hoặc sử dụng thuốc kháng viêm như Acetylsalicylic Acid (Aspirin), Ibuprofen hoặc dùng Corticoid.
  • Có thể suy tạng (tổn thương gan nặng hoặc suy gan, thận, tim, phổi, não), suy tuần hoàn cấp, viêm cơ tim, suy tim

Giai đoạn hồi phục

Thường vào ngày thứ 7 – 10 của bệnh với các biểu hiện:

  • Người bệnh hết sốt, dấu hiệu thèm ăn, huyết động ổn định, đi tiểu nhiều
  • Có thể phát ban hồi phục hoặc ngứa ngáy ngoài da
  • Xuất hiện nhịp tim chậm hoặc không đều, có thể suy hô hấp bởi quá tải dịch truyền

Chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue

Chẩn đoán căn nguyên virus Dengue

Chẩn đoán xác định bằng các xét nghiệm:

Sốt Xuất Huyết Dengue: Triệu Chứng, Điều Trị và Phòng Ngừa

Xét nghiệm huyết thanh

Thực hiện các xét nghiệm huyết thanh để xác định đáp ứng tiên phát và thứ phát của bệnh sốt xuất huyết Dengue:

  • Xét nghiệm nhanh: Tìm kháng nguyên NS1 trong 5 ngày đầu của bệnh
  • Xét nghiệm ELISA: Tìm kháng thể IgM, IgG từ ngày thứ 5 trở đi nếu NS1 âm tính
  • Xác định IgM, IgG kháng virus Dengue nhằm phát hiện bệnh ở trường hợp tản phát hoặc sốt xuất huyết nặng có nguy cơ tử vong cao

Xét nghiệm PCR, phân lập virus

Có thể phân lập virus Dengue từ các bệnh phẩm như huyết thanh hay máu của người bệnh. Từ ngày 1 – 6 của bệnh, người bị sốt xuất huyết có nồng độ virus Dengue trong máu rất cao.

Chẩn đoán phân biệt

Sốt xuất huyết Dengue cần chẩn đoán phân biệt với các loại nguyên nhân gây sốt khác như sốt phát ban do virus, sốt mò, sốt rét, sốt do bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết do siêu vi khác. Ngoài ra, nếu người bệnh có sốc thì cần xét nghiệm phân biệt với nhiễm trùng huyết do não mô cầu, nhiễm trùng huyết vi khuẩn gram âm, do Streptococcus suis, bệnh viêm ruột hoại tử, …

Điều trị sốt xuất huyết Dengue

Các trường hợp sốt xuất huyết nhẹ có thể điều trị ngoại trú tại nhà và theo dõi tại cơ sở y tế. Tuy nhiên, một số đối tượng cần phải điều trị tại bệnh viện chuyên khoa để xử lý kịp thời nếu xảy ra sốc hay biến chứng. Ví dụ như: phụ nữ mang thai, trẻ nhũ nhi, người bị béo phì, người lớn hơn 60 tuổi, người có bệnh mạn tính (thận, tim, gan, hen, COPD kém kiểm soát, tiểu đường, thiếu máu tan máu…).

Điều trị triệu chứng

Nếu người bệnh sốt cao ≥ 38,5°C:

  • Cho thuốc hạ nhiệt Paracetamol đơn chất: mỗi lần 10 – 15 mg/kg cân nặng, cách nhau 4 – 6 giờ. Tổng liều không quá 60 mg/kg cân nặng trong 24 giờ. Lưu ý không dùng Acetylsalicylic acid như Aspirin, hoặc Analgin, Ibuprofen vì có thể gây xuất huyết, toan máu.
  • Nới lỏng quần áo và lau mát bằng nước ấm.

Bù dịch sớm bằng đường uống

  • Khuyến khích người bệnh uống nhiều nước Oresol hoặc nước trái cây (nước dừa, cam, chanh,…) hoặc nước cháo loãng với muối.
  • Không ăn uống những thực phẩm có màu nâu hoặc đỏ như xá xị, sô cô la,…

Theo dõi

  • Thực hiện xét nghiệm hàng ngày.
  • Theo dõi điều trị kịp thời nếu không ăn uống được, nôn ói, tay chân lạnh, mệt lả, đau bụng, xuất huyết niêm mạc, không tiểu hơn 6 giờ, vật vã, li bì, lú lẫn,…

Điều trị sốt xuất huyết Dengue cảnh báo và sốt xuất huyết Dengue nặng

Truyền dịch

  • Trường hợp sốt xuất huyết Dengue nặng, người bệnh không uống được, mất nước nghiêm trọng, nôn nhiều, lừ đừ, hematocrit tăng cao mặc dù huyết áp vẫn ổn định, sốc sốt xuất huyết.
  • Truyền dịch Ringer Lactate, NaCl 0,9%, dung dịch cao phân tử như Dextran 40 hoặc 70, HES (hydroxyethyl starch).

Truyền máu và các chế phẩm máu

  • Trường hợp sốc sốt xuất huyết Dengue, hematocrit giảm nhanh, xuất huyết nặng, cần truyền khối hồng cầu hoặc máu toàn phần.
  • Truyền tiểu cầu khi số lượng tiểu cầu xuống nhanh < 50.000/mm³ kèm theo xuất huyết nặng.
  • Truyền plasma tươi, tủa lạnh nếu người bệnh rối loạn đông máu dẫn đến xuất huyết nặng.

Điều trị các trường hợp suy đa tạng

  • Hỗ trợ hô hấp, hỗ trợ tuần hoàn.
  • Kiểm soát đường huyết, điều chỉnh điện giải, rối loạn đông máu, rối loạn thăng bằng kiềm toan, rối loạn tri giác,…
  • Lọc máu, chạy thận nhân tạo trong trường hợp sốt xuất huyết suy thận cấp.
  • Hỗ trợ gan nếu bị tổn thương gan.
  • Sử dụng thuốc vận mạch Dopamine, Dobutamine, đo CVP nếu viêm cơ tim, suy tim.
  • Hỗ trợ thở oxy gọng kính đối với người bệnh bị sốc sốt xuất huyết Dengue.
  • Cho người bệnh thở NCPAP nếu bị tràn dịch màng bụng, màng phổi gây khó thở, SpO2 giảm dưới 92%. Nếu không cải thiện, xem xét chỉ định chọc hút để giảm bớt dịch màng bụng, màng phổi.

Chăm sóc và theo dõi

  • Giữ ấm cho người bệnh.
  • Theo dõi mạch, huyết áp, nhịp thở khoảng 15 – 30 phút/lần.
  • Đo Hematocrit cứ 1 – 2 giờ/lần, trong 6 giờ đầu của sốc. Sau đó khoảng 4 giờ/lần cho đến khi ổn định sốc.
  • Ghi chú lượng nước xuất và nhập trong 24 giờ và đo lượng nước tiểu.
  • Theo dõi tình trạng thoát dịch vào màng bụng, màng phổi, màng tim.

Phòng Ngừa Sốt Xuất Huyết Dengue

Hiện tại, tại Việt Nam chưa có vaccine phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết Dengue. Do đó, biện pháp phòng ngừa chính là kiểm soát và giảm thiểu sự tiếp xúc với muỗi vằn, nguyên nhân chính gây bệnh. Dưới đây là các biện pháp phòng ngừa hiệu quả:

1. Sử dụng màn và rèm chống muỗi:

Ngủ màn (kể cả ban ngày) và lắp rèm cửa lưới chống muỗi để giảm tiếp xúc với muỗi.

2. Mặc quần áo bảo vệ:

Mặc quần áo dài tay, dài chân và thoa kem hoặc xịt chống muỗi để bảo vệ da khỏi muỗi đốt.

3. Diệt muỗi:

Sử dụng các biện pháp diệt muỗi như phun thuốc, đốt nhang muỗi, hoặc dùng vợt muỗi.

Loại bỏ chỗ nước đọng, đậy nắp các thùng chứa nước và thả cá ăn lăng quăng vào các bể nước để ngăn chặn sự sinh sản của muỗi.

4. Vệ sinh môi trường sống:

Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, phát quang bụi rậm và dọn dẹp nhà cửa gọn gàng.

Thường xuyên làm sạch các khu vực có thể chứa nước đọng như chậu cây, thùng rác, và các vật dụng khác.

5. Tránh để trẻ chơi ở những khu vực nhiều muỗi:

Tránh để trẻ chơi ở những nơi tối tăm, ẩm ướt và nhiều muỗi.

6. Tăng cường nhận thức cộng đồng:

Tuyên truyền và giáo dục cộng đồng về các biện pháp phòng ngừa và cách nhận diện triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết để kịp thời tìm kiếm sự chăm sóc y tế.

Bằng cách thực hiện những biện pháp phòng ngừa này, chúng ta có thể giảm nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue và bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.

 

Liên hệ với Luxdefa : TẠI ĐÂY để nhận ngay hướng dẫn chi tiết về cách phòng ngừa sốt xuất huyết Dengue. Chúng tôi sẽ giúp bạn và gia đình luôn khỏe mạnh và an toàn!

HOTLINE: 088 871 68 88

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *