Bệnh Tiêu Chảy: Tìm Hiểu Nguyên Nhân, Triệu Chứng và Cách Điều Trị

Bệnh Tiêu Chảy: Tìm Hiểu Nguyên Nhân, Triệu Chứng và Cách Điều Trị

Bệnh tiêu chảy là tình trạng rối loạn tiêu hóa thường gặp ở mọi đối tượng, không phân biệt tuổi tác hay giới tính. Bệnh khởi phát do nhiều nhóm nguyên nhân khác nhau, nếu không được điều trị kịp thời sẽ có những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Khái niệm “bệnh tiêu chảy” 

Tiêu chảy là một trong những bệnh lý tiêu hóa phổ biến nhất, xuất hiện ở cả người lớn và trẻ nhỏ, không phân biệt giới tính. Giải thích một cách dễ hiểu hơn, tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng hay phân nước hơn 3 lần/ngày.

Với những người bị tiêu chảy mãn tính có thể đi phân lỏng, chảy nước liên tục hoặc ngắt quãng từ 4 tuần trở lên, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.

Biểu hiện của bệnh tiêu chảy

Nếu bạn gặp phải một hoặc nhiều triệu chứng sau đây, có thể bạn đang mắc bệnh tiêu chảy:

  • Cảm giác đầy bụng hoặc sôi bụng
  • Đi ngoài phân lỏng liên tục, thường là từ nhiều lần trong ngày, với phân chuyển từ dạng lỏng sang hoàn toàn nước
  • Nôn ra thức ăn, nước trong hoặc có màu vàng nhạt
  • Cảm thấy mệt mỏi thường xuyên
  • Xuất hiện chuột rút
  • Các dấu hiệu mất nước từ nhẹ đến nặng, bao gồm khát nước, da nhăn nheo và khô, cơ thể hốc hác, mắt trũng, mạch đập nhanh, huyết áp thấp, tiểu tiện ít hoặc không có, chân tay lạnh, và các triệu chứng khác.

Nguyên nhân khởi phát bệnh tiêu chảy

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, có khoảng 88% các trường hợp tử vong liên quan đến tiêu chảy là do vệ sinh không đầy đủ, nguồn nước không an toàn. Trong đó, Rotavirus chính là tác nhân hàng đầu dẫn đến tiêu chảy cấp.

Ngoài ra còn có một số những nguyên nhân khởi phát bệnh như sau:

Nhiễm vi sinh vật gây bệnh đường ruột

Mầm bệnh từ bên ngoài đi vào cơ thể sẽ gây ra kích thích lên các mô trong đường tiêu hóa dẫn đến viêm nhiễm. Điều này được cho là nguyên nhân chính gây ra tình trạng tiêu chảy cấp, thường gặp nhất là khi cơ thể tiêu thụ phải thực phẩm không đảm bảo vệ sinh.

Bên cạnh đó, việc tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm, ăn rau sống, gỏi, đồ tái,… cũng làm tăng nguy cơ lây truyền ký sinh trùng và vi khuẩn.

Không giữ gìn vệ sinh

Điều kiện vệ sinh kém cũng là một trong những nguyên nhân chính là tăng nguy cơ lây lan vi khuẩn gây tiêu chảy nhiễm trùng. Chính vì vậy nên việc giữ gìn không gian sống, đồ dùng cá nhân, cơ thể,… sạch sẽ cũng là một biện pháp cần thiết để tránh vi sinh vật gây hại xâm nhập vào đường tiêu hóa.

Rối loạn vi sinh thường trú đường ruột

Nhiều người có thói quen lạm dụng thuốc kháng sinh, điều này vô tình tiêu diệt các loại vi khuẩn có lợi dẫn đến việc mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Từ đây khả năng hấp thụ dinh dưỡng kém, nhu động ruột tăng, gây ra hiện tượng đi ngoài nhiều lần, phân sống, lỏng hoặc không thành khuôn.

Không hấp thụ đường

Có những người cơ thể hay gặp tình trạng không có khả năng dung nạp các loại đường như: Lactose, Glucose – Galactose, Fructose,… từ sữa, chế phẩm từ sữa, mật ong, trái cây,… Điều này dẫn đến hiện tượng bị tiêu chảy kéo dài nếu ăn phải những loại thực phẩm này. Ngoài ra cơ thể bị thiếu men Sucrase – isomaltase, Lactase,… cũng là nguyên nhân gây ra bệnh.

Ngộ độc thực phẩm (tiêu chảy do chất độc từ thức ăn hoặc độc tố vi sinh vật trong thức ăn)

Bệnh Tiêu Chảy: Tìm Hiểu Nguyên Nhân, Triệu Chứng và Cách Điều Trị

Nếu không may bạn sử dụng nhầm thức ăn ôi thiu, nhiễm độc hoặc chứa phụ gia độc hại thì khả năng cao sẽ bị ngộ độc thực phẩm. Trong trường hợp này có thể xuất hiện các triệu chứng: đau bụng, đi ngoài dữ dội sau khi ăn, sốt cao, nôn mửa,… Thậm chí có những trường hợp còn gặp phải hiện tượng co giật dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời

Hội chứng ruột kích thích (với thể loại tiêu chảy, không phải do nhiễm trùng)

Hội chứng ruột kích thích xuất hiện do thay đổi thói quen ăn uống, sau khi dùng một số thuốc điều trị hoặc đồ ăn lạ. Nguyên nhân là bởi nhu động ruột bị co thắt quá mức và kéo dài khiến cho thức ăn trong đường tiêu hóa di chuyển nhanh hơn. Lúc này, nước sẽ không được tái hấp thu hoặc tiết ra quá mức từ niêm mạc ruột dẫn đến hiện tượng tiêu chảy đột ngột.

Viêm đại tràng

Những người bị viêm đại tràng thường phải đối mặt với tình trạng rối loạn tiêu hóa, trong đó có tiêu chảy. Bệnh xuất phát từ sự xâm nhập và gây hại của các tác nhân như: vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm,… Ngoài ra, rối loạn thần kinh thực vật, ngộ độc hóa chất, tâm lý căng thẳng, áp lực cũng là những nguyên nhân không thể bỏ qua

Có mấy loại bệnh tiêu chảy?

Dựa vào các yếu tố về cơ chế, thời gian mắc bệnh, mức độ nghiêm trọng, đặc điểm phân (nhiều nước, sủi bọt, nhầy máu,…) mà bệnh tiêu chảy có thể được phân thành nhiều loại khác nhau. Cụ thể như sau:

Tiêu chảy cấp tính

Tình trạng này thường gặp ở trẻ em trong độ tuổi mầm non và những năm đầu tiểu học. Bệnh thường xuất hiện đột ngột, kéo dài trong khoảng một tuần với triệu chứng đi ngoài phân lỏng nhiều nước, số lần đại tiện nhiều hơn 3 lần/ ngày. Tiêu chảy cấp tính xuất hiện do cơ thể tiêu thụ thức ăn không phù hợp hoặc nhiễm khuẩn thực phẩm. Trong đó, Rotavirus được xem là tác nhân chính khiến cho trạng bệnh trở nên nghiêm trọng, có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của bé.

Tiêu chảy mãn tính

Ở cấp độ mãn tính, bệnh thường kéo dài hơn 2 – 4 tuần. Với cơ thể của một người khỏe mạnh, tình trạng này có thể gây bất tiện đối với sinh hoạt và trở thành vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu hệ miễn dịch suy yếu hoặc suy giảm, tiêu chảy mãn tính sẽ trở thành nguy cơ đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Tiêu chảy thẩm thấu

Tiêu chảy thẩm thấu xảy ra do giảm hấp thu chất điện giải, dịch và dinh dưỡng. Ở mức độ từ nhẹ đến vừa, khối lượng phân sẽ dao động từ khoảng 250ml đến 1 lít/ ngày. Ngoài ra, việc không hấp thu một chất dinh dưỡng đơn thuần như Lactose thường dẫn đến triệu chứng trướng bụng. Hiện tượng này sẽ dừng lại khi người bệnh ngừng tiêu thụ những loại thực phẩm đó.

Tiêu chảy xuất tiết

Đây là tình trạng rối loạn chuyển tải ion trong các tế bào biểu mô ruột, làm tăng bài tiết và giảm hấp thu hoặc cả hai trường. Với trường hợp tiêu chảy xuất tiết, việc ngưng sử dụng thực phẩm hoàn toàn không có tác dụng, người bệnh buộc phải sử dụng đến các điều trị y tế

Cách chẩn đoán bệnh tiêu chảy

Ngay khi hệ tiêu hóa có vấn đề bất thường như: đi ngoài liên tục, phân lỏng có máu,…thì khả năng cao bạn đã bị tiêu chảy. Lúc này cần nhanh chóng đến bệnh viện, các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám. Tình trạng bệnh sẽ được kết luận sau khi thực hiện chẩn đoán bằng các phương pháp sau:

Xét nghiệm máu

Đây là việc làm cơ bản và phổ biến nhất. Xét nghiệm công thức máu toàn phần (CBC), yếu tố viêm, điện giải máu, chức năng gan, thận sẽ giúp bác sĩ có hướng chẩn đoán nguyên nhân và cách điều trị thích hợp.

Xét nghiệm phân

Các bác sĩ có thể xác định ký sinh trùng, vi khuẩn và một vài loại vi rút trong dịch cấy phân. Xét nghiệm phân cũng có thể phát hiện máu vi thể (hồng cầu), bạch cầu và các manh mối khác để chẩn đoán.

Nội soi đại tràng

Bằng việc nội soi đại tràng, bác sĩ sẽ quan sát được toàn bộ khung đại tràng, một phần ruột non để xác định chính xác các tổn thương tại đây đồng thời tìm ra nguyên nhân tiêu chảy. Ngoài ra, ống nội soi cũng được trang bị dụng cụ hỗ trợ, giúp lấy sinh thiết (một mẫu mô nhỏ) từ đại tràng để thực hiện kiểm tra trong phòng thí nghiệm.

Tổng hợp phương pháp điều trị bệnh tiêu chảy

Tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh để có biện pháp điều trị thích hợp. Bạn nên chủ động tham khảo một số phương pháp điều trị bệnh tiêu chảy dưới đây để áp dụng khi cần:

Bù nước và chất điện giải

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, người bệnh nên dùng dung dịch Oresol (ORS – Oral rehydration salts) – đây là một dạng hỗn hợp gồm: nước sạch, đường, muối, được hấp thụ tại ruột non để bù lượng nước và điện giải đã mất. Trong trường đau dạ dày, buồn nôn không thể uống thì có thể cân nhắc lựa chọn phương pháp truyền dịch qua tĩnh mạch.

Dùng thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh mang đến cho người bệnh hiệu quả tích cực trong việc điều trị tiêu chảy do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng. Tuy nhiên phương pháp này không áp dụng được với tất cả mọi trường hợp, nếu nguyên nhân gây bệnh xuất phát từ virus thì cần có sự tham vấn của bác sĩ.

Điều trị các bệnh lý gây tiêu chảy

Trên thực tế đã có những trường hợp tiêu chảy xuất hiện nhưng là triệu chứng của một bệnh lý khác. Đối với tình trạng này bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị những vấn đề này trước.

Điều chỉnh toa thuốc, liều lượng thuốc đang dùng

Trong trường hợp thuốc kháng sinh được cho là nguyên nhân chính dẫn đến tiêu chảy thì việc giảm liều dùng hoặc đổi loại thuốc khác là biện pháp nhanh nhất để chấm dứt tác dụng phụ. Tất nhiên trong bất cứ trường hợp nào thì người bệnh cũng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc.

Các biến chứng của bệnh tiêu chảy

Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo: “Tiêu chảy ở trẻ gây tử vong cao hơn cả sốt rét, sởi và AIDS kết hợp”. Bệnh lý này có thể kéo dài từ vài ngày đến một tuần và không gây ảnh hưởng lớn cho sức khỏe nếu được xử lý đúng cách.

Tuy nhiên, trong trường hợp ngược lại cơ thể có nguy cơ sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng như: hôn mê, trụy mạch, suy kiệt, suy dinh dưỡng, mất nước hoặc thậm chí là tử vong. Trong đó một số biến chứng nguy hiểm phải kể đến gồm:

Vùng quanh hậu môn bị hăm loét đỏ do đi ngoài quá nhiều lần

Suy dinh dưỡng: Tiêu chảy là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi vì tác động trực tiếp đến quá trình tăng trưởng và phát triển nhận thức

Mất nước: Đây là mối đe dọa nghiêm trọng của tiêu chảy. Trong giai đoạn đầu của bệnh, nước và các chất điện giải như: natri, clorua, kali, bicarbonate,… sẽ bị mất qua nôn mửa, mồ hôi, nước tiểu, phân. Nếu việc thay thế không được thực hiện thì cơ thể sẽ dễ xuất hiện co giật, tổn thương não thậm chí dẫn đến tử vong

Chủ động phòng ngừa bệnh tiêu chảy bằng cách nào?

Một số biện pháp phòng ngừa bệnh tiêu chảy hữu ích mọi người nên tham khảo để chủ động bảo vệ sức khỏe của mình và người thân:

  1. Vệ sinh cá nhân và môi trường: Rửa tay bằng xà phòng, giữ nhà cửa sạch sẽ.
  2. An toàn thực phẩm: Ăn chín, uống sôi, bảo quản thực phẩm đúng cách.
  3. Sử dụng nguồn nước sạch: Đun sôi nước trước khi dùng nếu cần.
  4. Bảo vệ nguồn nước: Xử lý rác thải đúng cách, tránh ô nhiễm nguồn nước.
  5. Xử lý đúng cách khi có người bị tiêu chảy: Cách ly và xử lý vệ sinh để ngăn lây lan.
  6. Cập nhật kiến thức: Hiểu về vi khuẩn gây bệnh và cách phòng ngừa.

Tiêu chảy có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu không được xử lý kịp thời. Việc nhận diện đúng nguyên nhân, triệu chứng và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe. Nếu bạn gặp phải triệu chứng tiêu chảy hoặc cần tư vấn về cách phòng ngừa, hãy liên hệ với Hệ thống y tế Luxdefa để được đội ngũ bác sĩ chuyên gia hỗ trợ và chăm sóc tận tình.

Hotline: 088 871 68 88

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *